Bài 1: Nghĩa tình trong mùa dịch

2025-01-29 17:44:27

Xác định người dân là chủ thể, là trung tâm có vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, tỉnh Vĩnh Long đã huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay thực hiện hoạt động an sinh, chăm lo người dân. Nhiều hoạt động được thực hiện nhằm kịp thời hỗ trợ, tiếp sức cho người dân vượt qua khó khăn, yên tâm ổn định cuộc sống cùng  hướng đến mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Bài 1: Nghĩa tình trong mùa dịch

Dịch bệnh phức tạp đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, với những người con xa quê, những gia đình có người thân mất do dịch bệnh, cuộc sống càng trở nên vất vả hơn. Chia sẻ với khó khăn ấy, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh Vĩnh Long đã tích cực giúp đỡ, động viên, đồng hành cùng người dân vượt qua giai đoạn này. 

Ấm áp nghĩa tình đồng hương

Niềm vui của một gia đình đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh được chính quyền tỉnh Vĩnh Long đón về quê. Ảnh: TTXVN phát

Từ những ngày đầu tháng 9, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức các đoàn để đón công dân của tỉnh đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trở về địa phương. Đến nay, tỉnh đã đón hơn 1.500 người dân trở về. Đó là những phụ nữ mang thai đang cận ngày sinh nở, người lớn tuổi có bệnh nền đang bị kẹt lại sau thời gian điều trị bệnh, người lao động tự do gặp khó khăn do dịch bệnh... Những chuyến xe “nghĩa tình” chở người dân có hoàn cảnh khác nhau nhưng chung một mong muốn được sớm trở về quê, về với gia đình giữa đại dịch.

Bà Lê Thị Diệp Nữ (ngụ Phường 3, thành phố Vĩnh Long) cho biết, bà đi làm giúp việc tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hơn 10 năm nay, hàng tháng đều về quê thăm gia đình. Do dịch bệnh phức tạp, hơn 6 tháng qua, bà chưa về nhà. Bước chân rời chuyến xe “nghĩa tình” để vào khu cách ly tập trung, bà mừng rơi nước mắt.

“Mấy tháng nay, tôi không đi làm được, cuộc sống rất khó khăn. Tình hình dịch bệnh như thế này, tôi chỉ muốn được về nhà để đoàn tụ với gia đình. Rất cảm ơn địa phương đã đón chúng tôi về, chăm lo tươm tất”, bà Lê Thị Diệp Nữ cho biết.

Được về quê, giờ đây, người dân có thể vơi bớt nỗi lo để ổn định cuộc sống. Chủ trương đón người dân có nguyện vọng trở về địa phương đã góp phần chia sẻ khó khăn với những người con xa quê, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa tình đồng hương, được người dân Vĩnh Long đồng thuận.

Bà Huỳnh Thị Hên (ngụ Phường 2, thành phố Vĩnh Long) chia sẻ, cháu ngoại của bà thi xong lớp 10 đã lên thăm mẹ ở Thành phố Hồ Chí Minh rồi kẹt lại tới giờ, không về được. Hôm nay, cháu được đoàn xe đưa về bà mừng lắm. Nghĩa tình này, bà sẽ không bao giờ quên.

Dịch bệnh đã làm cuộc sống nhiều gia đình xa quê chật vật. Sau thời gian dài khó khăn, nhiều người dân đã chọn con đường về quê bằng phương tiện cá nhân khi các tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách. Cùng với nhiều tỉnh khác, tỉnh Vĩnh Long đã sẻ chia với người dân trong cuộc hành trình nhiều gian nan này.

Những ngày đầu tháng 10, từng đoàn xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc nối đuôi nhau vào chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 dưới chân cầu Mỹ Thuận (thuộc phường Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long). Tại đây, không chỉ được lực lượng làm nhiệm vụ hướng dẫn vào khu cách ly tập trung, người dân còn được tiếp sức những phần cơm, cháo và sữa để lót dạ sau một chuyến đi vất vả để về địa phương.

Theo Đại úy Phan Huỳnh Duy, Chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 phường Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long, người dân di chuyển từ Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh về tới đây đã trải qua quãng đường rất xa, đều rất đói và mệt. Được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh, các tổ chức và các mạnh thường quân, lực lượng tại chốt đã hỗ trợ cơm, nước uống cho người dân và bánh ngọt, sữa cho các em bé. Tất cả người dân đều được đón tiếp, hướng dẫn cách ly an toàn.

Về đến quê nhà sau chặng đường dài di chuyển bằng xe máy từ Bình Dương, dù rất mệt nhưng vợ chồng chị Lê Thị Huỳnh Như (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) rất mừng vì được tiếp nhận và hỗ trợ chu đáo. Chị Huỳnh Như cho biết, do dịch bệnh, hai vợ chồng không có việc làm, số tiền để dành lâu nay đã chi tiêu gần hết. Về đến địa phận tỉnh, ai cũng mệt lả người. Lúc này, được các chiến sĩ công an, tình nguyện viên nhiệt tình giúp đỡ, chúng tôi rất ấm lòng, yên tâm thực hiện cách ly theo hướng dẫn để sớm được trở về với gia đình.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, từ ngày 1/10 đến nay, Vĩnh Long đã tiếp nhận hơn 11.500 người từ các tỉnh, thành phố trở về, trong đó chủ yếu là người về bằng phương tiện cá nhân. Các trường hợp đã được hướng dẫn cách ly tập trung theo quy định. Chia sẻ với khó khăn của người dân, tỉnh đã quyết định hỗ trợ các chi phí trong quá trình cách ly tập trung; đồng thời vận động kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ thêm cho người dân.

Bí thư Huyện ủy Mang Thít Nguyễn Thị Minh Trang cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện và cơ sở đã thực hiện tốt công tác đưa người dân vào khu cách ly, sàng lọc, xét nghiệm, cách ly y tế tập trung theo quy định. Huyện đã mở lại khu bếp ăn tập trung để đảm bảo cho người dân được chăm sóc sức khỏe, phục vụ các nhu cầu thiết yếu. Về lâu dài, huyện sẽ tiếp tục vận động các nguồn lực hỗ trợ chăm lo đời sống người dân khi về địa phương, phối hợp với ngành lao động rà soát thực trạng đời sống, nhu cầu việc làm của người dân. Trên cơ sở đó, huyện sẽ cùng các sở ngành, đơn vị liên quan đào tạo nghề, tạo việc làm để ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chăm lo “mầm xanh” tương lai

 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh trao thiết bị học tập trực tuyến cho đại diện gia đình học sinh có cha mất do COVID-19 tại xã Đông Bình, thị xã Bình Minh. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, đời sống của người dân, trong đó có nhiều trẻ em, nhất là các em trong gia đình nghèo, khó khăn và có cha, mẹ mất do dịch. Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 1.800 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 14.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Riêng trong đợt dịch vừa qua, Vĩnh Long có hơn 1.000 trẻ em là F0, F1 phải cách ly, điều trị. Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, tỉnh đã hỗ trợ các trường hợp này theo quy định, trích kinh phí hỗ trợ sữa nhằm bổ sung dưỡng chất, tăng cường sức đề kháng giúp các em chống lại dịch bệnh.

Song song đó, để đảm bảo quyền học tập của trẻ em trong độ tuổi đến trường, tỉnh thống nhất chủ trương không thu học phí học kỳ I năm học 2021-2022 đối với trẻ Mẫu giáo, học sinh phổ thông công lập, học viên tại các cơ sở Giáo dục thường xuyên theo chương trình Giáo dục Phổ thông trên địa bàn. Các ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ học bổng và quà cho học sinh nhân dịp năm học mới với tổng giá trị hơn 2,2 tỷ đồng.

Đặc biệt, tỉnh đã kêu gọi ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” để hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh nghèo, cận nghèo và những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá trên 8 tỷ đồng.

Em Nguyễn Thái Quyên, Trường Trung học Phổ thông Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn chia sẻ “Chiếc điện thoại em và mẹ gom góp tiền để mua đã bị rớt hư màn hình nên em không học được, phải học nhờ điện thoại bạn. Rồi học online cũng không thuận tiện vì không có mạng, em phải ra sau vườn để học ké mạng hàng xóm. Được hỗ trợ máy tính bảng, em rất mừng. Trong thời gian tới, việc học tập sẽ thuận tiện hơn, màn hình to hơn giúp em dễ tiếp thu bài. Em sẽ cố gắng sử dụng tốt món quà này".

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 18 trẻ em có cha, mẹ mất do dịch COVID-19. Sẻ chia với những mất mát to lớn này, các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần các em. Mới đây nhất, Hội đồng Đội Trung ương cùng đơn vị tài trợ đã trao cam kết hỗ trợ dài hạn cho 18 trẻ mồ côi cha mẹ do dịch COVID-19 của tỉnh thông qua Chương trình “Nối vòng tay yêu thương”. Theo đó, các em được nhân hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng từ tháng 10/2021 đến khi các em đủ 18 tuổi. Tỉnh Đoàn Vĩnh Long cũng tăng cường kết nối giữa đơn vị hỗ trợ với gia đình để ưu tiên chăm lo đời sống, học tập, đảm bảo các em được động viên, hỗ trợ kịp thời, không bị gián đoạn việc học.

Anh Phạm Ngọc Tuyên (ngụ xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) cho biết, mấy tháng qua, khi vợ mất do mắc COVID-19, một mình anh phải chăm lo cho hai con nhỏ. Năm học mới bắt đầu, con gái lớn mới vào lớp 3, việc học trực tuyến gặp nhiều khó khăn. Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự động viên của nhà trường đã giúp anh vơi bớt phần nào lo âu để yên tâm tìm việc làm phù hợp, vừa đi làm vừa chăm lo cho các con.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh, bên cạnh thực hiện chế độ chính sách với trẻ em, tỉnh còn tặng quà, tặng sữa cho thiếu nhi là F1, F0. Tỉnh vận động xã hội hóa để chăm lo cho các em trong việc học, giúp các em ổn định tinh thần và cuộc sống sau dịch. Trường hợp học sinh có cha hoặc mẹ mất do dịch COVID-19, tỉnh chia sẻ sâu sắc với sự mất mát này và hy vọng các em nỗ lực để có được tương lai tốt hơn. Tỉnh sẽ đồng hành, hỗ trợ, động viên các em vượt qua khó khăn để có nghị lực tiếp tục học tập và phát triển toàn diện.

Trước tác động của dịch COVID-19, đời sống của hầu hết người dân gặp khó khăn. Để "không ai bị bỏ lại phía sau", Vĩnh Long đã huy động cả hệ thống chính trị tích cực chăm lo cho người dân. Chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời đã tiếp thêm động lực, giúp người dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, các chính sách của Nhà nước, cùng nỗ lực vươn lên và thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Bài 2: Chia sẻ khó khăn chung tay vượt qua đại dịch

Nguồn bài viết : Palazzo Club

Top